Núi lửa có thể thức dậy nhanh hơn dự đoán

  •  
  • 548

Núi lửa hoạt động thường xuyên nhất tại Iceland đã phun trào trở lại vào cuối tuần trước, sau 7 năm im lặng. Trong khi đó, các nhà khoa học cảnh báo, những núi lửa tưởng như đang ngủ yên có thể "tỉnh giấc" nhanh hơn dự kiến rất nhiều.

>> Núi lửa lớn nhất châu Âu “thức giấc”
>> Video: Núi lửa hoạt động mạnh nhất Iceland phun trào

Phun trào mạnh nhất trong một thế kỷ

Cột khói cao 20km bốc lên từ núi lửa Grimsvoetn tối thứ Bảy 21/5 là dấu hiệu đầu tiên cho thấy nó sắp bắt đầu một đợt phun trào mới. Nằm dưới dòng sông băng lớn nhất của Iceland, Grimsvoetn là núi lửa hoạt động mạnh nhất ở đất nước này. Nó đã phun trào 9 lần trong thời gian từ 1922 - 2004. Một số sân bay của Iceland đã bị đóng cửa và các chuyến bay nội địa tạm thời bị gián đoạn do lo ngại tro bụi núi lửa.

Grimsvoetn
Nhà khoa học
Magnus Tumi Gudmundsson thừa nhận rằng vẫn còn rất nhiều vấn đề về hoạt động của núi lửa nằm ngoài tầm hiểu biết của khoa học hiện nay.

Theo đánh giá của giới khoa học, đây có thể là lần phun trào mạnh nhất của núi lửa Grimsvoetn trong vòng 100 năm qua, lớn hơn vụ phun trào của núi lửa Eyjafjallajokul hồi năm ngoái. Thiên tai này khi đó đã khiến hơn 95.000 chuyến bay trên toàn châu Âu đã bị hoãn và thiệt hại kinh tế lên đến 200 triệu đôla mỗi ngày. Tuy nhiên, tác động của Grimsvoetn đến hoạt động hàng không sẽ không nghiêm trọng như Eyjafjallajokul. Magnus Tumi Gudmundsson, chuyên gia địa vật lý Đại học Iceland cho biết, tro bụi từ núi lửa Grimsvotn có kích thước lớn hơn tro bụi từ Eyjafjallajokull nên chúng rơi xuống đất nhanh hơn và do vậy, không thể bay lên quá cao hoặc phát tán xa.

Hiểm họa từ những núi lửa ngủ yên

Tuy là núi lửa có tần suất hoạt động rất cao, nhưng Grimsvoetn không phải là một núi lửa nguy hiểm, nếu so với những người khổng lồ đã ngủ yên nhiều năm như các núi lửa trong khu vực Yellowstone (Mỹ), Valles (Mexicô), các đảo của Nhật Bản, New Zealand... Ít nhất đã có hai công trình nghiên cứu được công bố gần đây cảnh báo rằng các núi lửa này có thể thức dậy nhanh hơn rất nhiều so với dự đoán của các nhà khoa học.

Giới khoa học vẫn cho rằng, magma trong núi lửa di chuyển lên bề mặt với tốc độ khá chậm, do đó, họ có thể phát hiện các dấu hiệu địa chấn bất thường ở khu vực xung quanh vài ngày, thậm chí vài tuần trước vụ phun trào. Nhưng nghiên cứu do Viện Khoa học Trái Đất (Pháp) thực hiện tại núi lửa Chaitén (Chile) cho thấy, trong vụ phun trào của núi lửa này năm 2008, thời gian này chỉ kéo dài chưa đầy 30 giờ.

Một nghiên cứu khác do các chuyên gia Đại học Washington (Mỹ) thực hiện với mô hình trên máy tính, sau đó so sánh với một số vụ phun trào trong thực tế, mà điển hình là thảm họa núi lửa Pinatubo ở Philippines năm 1991 cũng cho kết quả tương tự. Theo đó, trong thảm họa Pinatubo, lò magma của núi lửa chỉ cần từ 20 - 80 ngày là đạt độ lỏng và nhiệt độ đủ để hoạt động trở lại, thay vì 500 năm như lý thuyết truyền thống. George Bergantz, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng, một trong những lý do khiến núi lửa có thể thức dậy nhanh đến vậy là vì sự vận chuyển magma trong hệ thống diễn ra hiệu quả hơn rất nhiều so những gì mà các nhà khoa học đã suy đoán trước kia. Tuy nhiên, Bergantz cũng nhấn mạnh, lò magma nóng trở lại không phải bao giờ cũng dẫn đến phun trào.

Nhà khoa học này thừa nhận rằng vẫn còn rất nhiều vấn đề về hoạt động của núi lửa nằm ngoài tầm hiểu biết của khoa học hiện nay. "Quan sát núi lửa giống như bạn chỉ nhìn thấy chiếc ống xả của xe hơi, trong khi cái bạn thực sự muốn thấy lại là động cơ xe. Toàn bộ quá trình hoạt động của nó ẩn giấu bên trong lớp vỏ Trái Đất".

Theo Bee.net
  • 548