Rác thải chất dẻo - Mối hiểm họa tiềm ẩn cho đại dương

  •  
  • 1.401

Rác thải chất dẻo trên đại dương đang gây tổn thất cho nền kinh tế thế giới ít nhất 13 tỷ USD mỗi năm, đe dọa đời sống sinh vật biển, ngành du lịch và nghề cá.

Đây là cảnh báo của Liên hợp quốc tại hội thảo môi trường toàn cầu do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đang tổ chức tại Kenya.

Người đứng đầu UNEP Achim Steiner cho biết, chất dẻo không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, tuy nhiên hoạt động sử dụng vật liệu này của con người đang gây ra những tác động nghiêm trọng lên môi trường sinh thái.

Báo cáo của UNEP cho biết rác thải chất dẻo (gồm chai nhựa, túi nilon, hộp đựng đồ ăn...) là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài sinh vật biển khi bị nuốt phải như rùa, cá heo và cá voi hoặc tác động tiêu cực tới môi trường sống như các rặng san hô.

Rác thải chất dẻo - Mối hiểm họa tiềm ẩn cho đại dương

Ngoài ra, ô nhiễm hóa chất do rác thải chất dẻo gây ra còn gây tổn thất cho các ngành ngư nghiệp và du lịch của nhiều quốc gia.

Theo UNEP, đã có nhiều báo cáo về việc sinh vật biển nuốt vào bụng các chất dẻo độc hại thường tồn tại dưới dạng các mảnh vỡ nhỏ có đường kính chưa tới 5mm. Nhờ các dòng hải lưu, các mảnh vỡ này có thể di chuyển trên khắp đại dương, trở thành mồi cho các loài chim biển, cá, giun và động vật phù du, sau đó chuyển hóa thành hóa chất độc hại trong thức ăn của con người.

Một trong những mối nguy hiểm nổi lên mới đây là các "hạt chất dẻo siêu nhỏ" chứa trong kem đánh răng, chất gel và các sản phẩm làm sạch da mặt. Các hạt này không thể bị loại bỏ qua quá trình xử lý nước thải và do đó được đổ thẳng ra sông, hồ và đại dương.

Báo cáo trên đã chỉ ra thực trạng cấp thiết cho các công ty xem xét lại hoạt động sử dụng chất dẻo trong sản xuất và kinh doanh, tương tự như với khí thải carbon, nước và khai thác rừng. Các chuyên gia cũng nhận định việc tái chế có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Báo cáo của UNEP được công bố tại hội nghị của UNEP quy tụ hơn 1.200 đại biểu và các chuyên gia.

Hội nghị kéo dài một tuần tới ngày 27/6 sẽ thảo luận về nhiều chủ đề bao gồm các thách thức môi trường, sản xuất và tiêu thụ bền vững, thúc đẩy "kinh tế xanh", chống buôn bán động vật hoang dã trái phép và luật môi trường.

Theo TTXVN/Vietnam+
  • 1.401