Mắt thường không thể phân biệt được trái cây có hóa chất

  •  
  • 5.637

Khi chứa chất bảo quản, trái cây bóng đẹp như khi được chăm bón tốt, thu hoạch đúng lúc. Quả thúc chín bằng thuốc cũng có bề ngoài như quả chín cây, vì thế việc phân biệt rau trái có hóa chất hay không vô cùng khó, các chuyên gia cho biết.

>>> Công nghệ bơm gạch cho cua, quét sơn cho ổi

Thời gian gần đây, sau câu chuyện trái táo do một phụ nữ ở Hà Nội mua từ Tết đến nay vẫn tươi nguyên, nhiều người hoang mang về các loại trái cây có chứa chất bảo quản - mối lo từ nhiều năm nay. Không ít bà nội trợ rỉ tai nhau những bí quyết để lựa chọn trái cây an toàn, tự nhiên. Nhưng theo các chuyên gia nghiên cứu về ẩm thực, công nghệ thực phẩm, rất khó để phân biệt quả có chứa hóa chất bảo quản, thúc chín.

Bà Nguyễn Ngọc Anh Thư, giám đốc một trung tâm đào tạo gia chánh ở Biên Hòa, Đồng Nai, cho biết dù rất thích ăn táo xanh, hơn một năm nay, bà không dám mua loại quả này, sau lần thấy trái táo mình mua từ chợ về, để 4 tháng mà không hỏng. "Không thể dựa vào bề ngoài để chọn được trái cây an toàn", vị chuyên gia ẩm thực từng dành nhiều thời gian nghiên cứu về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn nguyên liệu bếp núc, khẳng định.

Bà Thư cho rằng những hóa chất được sử dụng để bảo quản hay thúc chín thường không để lại màu, mùi, vị lạ gì, lại tạo vẻ bắt mắt cho sản phẩm. "Mục đích của người bán là làm sao để tiêu thụ được nhiều sản phẩm, bởi vậy họ phải làm cách nào để trái cây trông càng tự nhiên càng tốt. Tôi thực sự bất lực khi muốn xác định được quả nào là an toàn hay không, trừ khi biết chính xác loại quả đó ở đâu, do ai trồng", bà Thư chia sẻ.

Bà cho hay, để biết chính xác, chỉ có thể nhờ công nghệ phân tích hóa chất hay để quả ở môi trường bình thường, qua thời gian dài. Việc dựa vào thương hiệu hay mua ở siêu thị giờ cũng khó đặt trọn niềm tin sau một số vụ việc phanh phui các đơn vị này cũng làm ăn gian trá. "Có lẽ nên chọn những loại trái cây mà biết chắc chắn rằng nó là của Việt Nam và rẻ tiền (để họ không có động cơ làm "kỹ xảo") như cóc, bưởi", bà Thư nói.

Mắt thường không thể phân biệt được trái cây có hóa chất
Trái táo bà Nguyễn Ngọc Anh Thư mua để vài tháng vẫn tươi. (Ảnh: Anh Thư)

Giáo sư Nguyễn Quang Thạch, Viện sinh học nông nghiệp, Đại học Nông nghiệp (Hà Nội) cho biết, hiện nay, tình trạng sử dụng hóa chất để bảo quản, thúc chín cho trái cây rất phổ biến. Có nhiều loại hóa chất bảo quản và nói chung việc lạm dụng chắc chắn không tốt cho sức khỏe của con người. Nhóm hóa chất nguy hiểm nhất là Auxin, trong đó có chất loại 2,4-D - thành phần trong thuốc diệt cỏ, pha với tỷ lệ 5-10 phần triệu dùng để ngâm, phun giúp quả, rau tươi lâu hơn. Người tiêu dùng ăn phải những loại quả, rau này, tích lũy chất độc sau thời gian có thể bị ung thư. Bởi vậy, nhóm auxin đã bị nghiêm cấm sử dụng để bảo quản trái cây. Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng các loại thuốc bảo quản thực phẩm, trong đó có rau, trái rất vô tội vạ.

Ngoài việc sử dụng hóa chất để bảo quản trái cây tươi lâu, người ta còn thúc quá mau chín bằng Ethylen. Đây là một hormone sinh trưởng tự nhiên trong cây, có vai trò chính kích thích gây chín, làm già hóa và rụng hoa quả. Lợi dụng đặc tính này, người ta sản xuất chất ethylen nhân tạo để xử lý làm cho trái cây mau chín, hay áp dụng với xoài, chuối, mít... Những hóa chất này ít độc hại hơn hóa chất bảo quản nếu sử dụng ở nồng độ thông thường và đúng cách, của cơ sở được cấp phép.

Năm ngoái, tiến sĩ Phạm Kim Phương cùng các sinh viên khoa công nghệ thực phẩm, Đại học công nghệ Sài Gòn có một khảo sát về tình hình an toàn thực phẩm ở một số quận tại TP HCM và ghi nhận hiện trạng nhiều thương lái dùng hóa chất tiêm vào mít, mận để thúc chín nhanh chỉ trong một ngày. Hóa chất này có nhiều tên thương phẩm: Etherel (Mỹ), Flodimex (Đức), Ethephon (Nga), phải pha với nước mới dùng được. Mỗi bịch hóa chất giá 100.000 đồng, chích được vài tấn mít.

Khảo sát và phân tích cho thấy, mít bị tiêm hóa chất thì múi chín, ăn vẫn ngọt như thường nhưng phần ngoài bị sượng. Có quả bị tiêm thuốc quá tay nên chín nhũn, nẫu hết ruột. Ngoài ra, quả mít chín tự nhiên thì thân rất mềm, mắt mít nở ra, gai không nhọn và thưa hơn so với lúc còn xanh, có quả chín quá còn bị nứt, mùi rất thơm.

Mắt thường không thể phân biệt được trái cây có hóa chất
Hóa chất thúc trái chín (bên trái) và hình ảnh tiêm thuốc thúc chín vào mít tại TP HCM. (Ảnh: Trích từ báo cáo khảo sát của tiến sĩ Nguyễn Kim Phượng và nhóm sinh viên)

Tuy nhiên, nhìn chung, phải là người rất có kinh nghiệm và nghiên cứu kỹ mới có thể nhận biết những khác biệt này. Với hầu hết các loại trái cây, việc phân biệt có hay không sử dụng chất bảo quản, chất thúc chín rất khó. Chẳng hạn, theo giáo sư Phạm Quang Thạch, nếu dùng Auxin để bảo quản với nồng độ cao, quả sẽ xanh bóng, hay to bất thường, khi bổ ra có nhiều chất khô khô xốp xốp bên trong... Tuy nhiên, nếu bảo quản bằng chất này với nồng độ ít hơn, thì chỉ làm quả có mã xanh đẹp hơn ngoài tác dụng tươi lâu hơn, trong khi đó, việc chăm bón tốt cũng có thể giúp rau, quả có màu sắc xanh đẹp, bắt mắt tương tự.

"Trong tình hình hiện nay, chúng ta thực sự không thể khuyên người tiêu dùng nên chọn loại quả nay hay quả kia, dựa vào đặc điểm nào đó, bởi không có bất cứ dấu hiệu điển hình nào để nhận biết chúng có được tẩm hóa chất hay không. Chúng ta chỉ có thể khuyến cáo để họ thận trọng hơn khi mua các loại trái cây không rõ nguồn gốc. Điều quan trọng nhất là các cơ quan chức năng phải tăng cường quản lý việc sử dụng các loại hóa chất bảo quản, thúc tăng trưởng rau, trái cũng như việc lưu thông các loại hàng hóa thiết yếu này", giáo sư Thạch bày tỏ.

Cùng quan điểm này, thạc sĩ Bùi Thị Minh Thủy, giảng viên khoa Công nghệ hóa học và Thực phẩm, Đại học Nguyễn Tất Thành, TP HCM, cũng chia sẻ thực sự nhìn bề ngoài rất khó phân biệt trái cây có bị tẩm hóa chất hay không, chỉ có thể nhận biết chính xác điều này khi để quả một thời gian dài ở nhiệt độ môi trường hay bổ ra xem bên trong. Chẳng hạn, theo tự nhiên, trái cây sẽ hỏng từ bên ngoài trước rồi mới tới bên trong nhưng những loại quả có nhiều chất bảo quản thường bên ngoài vẫn bóng đẹp, tươi nhưng trong đã nhũn, thâm đen.

"Các chất bảo quản rõ ràng gây hại, ở nồng độ thấp, nó có tác dụng tiêu diệt vi sinh vật, nhưng ở nồng độ cao, hay theo tính chất tích tụ, nó có thể 'tiêu diệt' cả con người, bởi vậy vấn đề này không thể coi nhẹ", bà Thủy nói.

Theo Vnexpress
  • 5.637