Hong Kong điều chế vắc xin đột phá chống cúm H7N9

  •  
  • 269

Theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng của Hong Kong, các chuyên gia nghiên cứu của Đại học Hong Kong (HKU) vừa phát triển thành công một vắc xin có thể là loại đầu tiên trên thế giới tạo ra một “tấm lá chắn” chống lại nhiều loại virus cúm - trong đó có virus cúm gia cầm H7N9 - chỉ bằng một mũi tiêm đơn giản.

Nhóm chuyên gia HKU đã mô tả công trình nghiên cứu của họ là một bước đột phá, bởi trước đây mỗi loại vắc xin chống cúm theo mùa thường chỉ có cơ chế bảo vệ chống lại một hoặc một số ít loại virus cúm cụ thể.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc gia Mỹ, các chuyên gia nghiên cứu đã sử dụng virus gây bệnh đậu mùa - thành phần chủ chốt trong vắc xin phòng bệnh đậu mùa - làm vật chứa vắc xin chống cúm.

Hong Kong điều chế vắc xin đột phá chống cúm H7N9
Các kỹ thuật viên tiến hành thí nghiệm đối với vắc xin phòng cúm H7N9. (Ảnh: THX/TTXVN)

Virus gây bệnh đậu mùa được biết đến là loại virus có khả năng tạo ra trong cơ thể các con chuột cơ chế bảo vệ mạnh mẽ chống lại các loại virus cúm A thuộc chủng H5.

Họ đã thử nghiệm hàng trăm con chuột được cấy các chủng virus cúm khác nhau, trong đó có H3N2, H1N1, H7N7 và gần đây nhất là H7N9, một chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm đã lây sang người, làm hàng trăm người tử vong.

Các chuyên gia phát hiện ra rằng 80-100% số chuột mang trong mình loại vắc xin này đã được bảo vệ trước những cuộc tấn công sau đó của các loại virus khác nhau.

Trong khi đó, những con chuột không được tiêm vắc xin đều chết.

Trưởng nhóm nghiên cứu, phó giáo sư, tiến sỹ Y tế cộng đồng Leo Poon Lit-man cho biết: “Những loại vắc xin chống cúm hiện nay chỉ nhằm vào các loại virus cụ thể và riêng biệt, nhưng các chuyên gia khoa học khó có thể dự đoán được loại virus nào sẽ gây ra dịch bệnh tiếp theo. Đó là lý do tại sao chúng tôi nên nghiên cứu xem liệu có biện pháp nào khác để tạo ra một chuỗi bảo vệ rộng lớn hơn chống lại các loại virus khác nhau".

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Leo Poon Hitman, có thể phải mất nhiều năm trước khi loại vắc xin mới này được thử nghiệm ở người tại các trung tâm y tế thử nghiệm.

Theo Vietnam+
  • 269