Giống ngô sinh khối đầu tiên của Việt Nam cao gần bằng đèn đường

  •  
  • 626

Những thân cây ngô sinh khối đầu tiên của Việt Nam cao đến nỗi nhiều người không với tới bắp, ngọn cây ngô cao gần chạm tới bóng đèn đường…

Tiến sĩ Đặng Ngọc Hạ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) kể rằng, mẹ đẻ rơi mình ở ruộng ngô nên đã hơn 30 năm nay anh chung thủy với cây ngô. Ngay từ cách đây 15 - 20 năm khi các giống ngô lai lấy hạt của Viện Nghiên cứu Ngô đang ở thời hoàng kim nhất, mỗi xe ngô rời khỏi cổng là cầm chắc lãi cả trăm triệu đồng thì anh đã có định hướng nghiên cứu ngô sinh khối rồi.

Tiến sĩ Đặng Ngọc Hạ phải với mới tới bắp cây ngô ĐH17-5.
Tiến sĩ Đặng Ngọc Hạ phải với mới tới bắp cây ngô ĐH17-5. (Ảnh: Dương Đình Tường).

Những năm gần đây, người ta chứng kiến sự chuyển đổi mạnh trong cơ cấu nông nghiệp, tỷ trọng chăn nuôi tăng lên rất nhanh. Thế mạnh của các tỉnh miền núi là chăn nuôi đại gia súc nên rất cần nguồn thức ăn chất lượng cao như ngô sinh khối. Tuy nhiên Việt Nam lại chưa có các giống ngô chuyên để sản xuất sinh khối mà chỉ là các giống ngô lấy hạt được sử dụng để sản xuất ngô sinh khối dưới dạng “hai trong một”. 

Say mê với hướng đi mới về ngô sinh khối, Tiến sĩ Hạ đã miệt mài tạo dòng, thử tổ hợp lai và đánh giá. Trong hàng trăm tổ hợp lai, Tiến sĩ Hạ đã chọn ra được tổ hợp lai ưng ý nhất là ĐH17-5 (viết tắt của tên ông là Đặng Hạ, năm chọn tạo là 2017). Cũng năm 2017, Tiến sĩ Hạ gửi giống đến Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và Sản phẩm cây trồng Quốc gia. Trải qua các khảo nghiệm cơ bản VCU, khảo nghiệm tính khác biệt DUS, năm 2019, giống ngô ĐH17-5 được công nhận tạm thời.

Dịch Covid-19 đã làm mọi thứ phải đình lại. Tiến sĩ Hạ sốt ruột đến mức dù mỗi tháng phải "ngoáy mũi" cả chục lần để qua các chốt Covid-19 vẫn mang giống đi các nơi trồng thử, hoàn thiện các quy trình canh tác lẫn quy trình sản xuất hạt giống.

 Chặt 10m2 ngô sinh khối ĐH17-5 để cân, tính năng suất.
Chặt 10m2 ngô sinh khối ĐH17-5 để cân, tính năng suất. (Ảnh: Dương Đình Tường).

Kinh phí từ đề tài nghiên cứu của nhà nước có hạn, thủ tục tài chính lại gò bó nên muốn “đứa con tinh thần” của mình nhanh ra đời, Tiến sĩ Hạ đã bỏ tiền túi để sản xuất hạt giống rồi đem đi cho. Tuy nhiên khi sản xuất 2ha hạt giống ở Chiềng Sung (Mai Sơn, Sơn La), năng suất chỉ đạt 50%, thiệt hại cỡ trên 50 triệu đồng, sản xuất 2ha hạt giống ở Nha Hố (Ninh Thuận) cũng gặp hiện tượng không kết hạt, thiệt hại lên tới 104 triệu đồng.

Đến tận năm 2022, giống ngô ĐH17-5 mới được công nhận chính thức, cho phép lưu hành ở các tỉnh phía Bắc. Đây là giống ngô sinh khối đầu tiên của Việt Nam, chuyên biệt theo đúng tiêu chuẩn. “Khi chúng tôi có đề tài nghiên cứu về ngô sinh khối, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu công bố tiêu chuẩn khảo nghiệm tạm thời đối với ngô sinh khối".

Theo đó, ĐH17-5 là giống ngô đầu tiên đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí của ngô sinh khối. Thứ nhất, sinh khối phải tương đương hoặc hơn các giống ngô chuyên hạt sử dụng vào mục đích lấy sinh khối. Về chỉ tiêu này thì năm 2019, anh Đạt ở thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La) đã trồng thử 1ha và đạt năng suất 82 tấn, ít nhất bằng với giống đối chứng đang thịnh hành là NK 7328. Thứ hai, phải đạt các tiêu chí về hóa sinh như hàm lượng chất khô, chất béo, protein…

"Phát triển đại gia súc cần có thức ăn xanh. Cỏ voi cũng là thức ăn xanh nhưng nhiều xơ, còn ngô sinh khối có cả hạt nên protein, tinh bột nhiều hơn, dinh dưỡng cân đối hơn. Tôi là tác giả của giống nhưng rất cần đến những “bà đỡ” là doanh nghiệp bao tiêu giống, phát triển sản phẩm. Hiện ĐH17-5 đã được Công ty Cổ phần Doanh Nông xin độc quyền phân phối”, Tiến sĩ Đặng Ngọc Hạ tâm sự.

 Cân kiểm tra năng suất giống ngô ĐH17-5.
Cân kiểm tra năng suất giống ngô ĐH17-5. (Ảnh: Dương Đình Tường).

Cũng theo Tiến sĩ Hạ, trong mấy năm qua dù tình hình Covid-19 căng thẳng nhưng anh vẫn đi nhiều nơi, nhóm được nhiều “đốm lửa” là các mô hình trồng thử giống ngô ĐH17-5 ở Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… với quy mô cả ngàn ha. Ông có niềm tin rằng từ những đốm lửa nhỏ đó sẽ thành một đám cháy lớn, thành một điểm sáng trong việc phát triển ngô sinh khối. Ngay hội nghị tại xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La này mới đây, đã có 130 đại biểu đến tìm hiểu về giống ngô ĐH17-5, trong đó ½ là những người trực tiếp trồng ngô.

Hầu hết họ đều tỏ ra ngạc nhiên trước vạt đồi toàn những cây ngô khổng lồ, cao to với bộ rễ chân kiềng nổi trội đến mức có người nói vui phải mang rìu tới mới có thể chặt nổi. Cao to quá cũng có thể là nhược điểm của giống ngô ĐH17-5 trong điều kiện có gió lớn sẽ dễ bị đổ.

Những bắp ngô bóc ra đã chín sáp, là thời điểm thu hoạch hợp lý nhất bởi vừa đảm bảo năng suất, vừa đảm bảo chất lượng. Các nhà khoa học đã thu thử 10m2 trồng giống ngô ĐH17-5 rồi cân lên, tổng cộng đạt 98kg, nghĩa là năng suất không ít hơn 90 tấn/ha. Đất chưa tốt lắm mà đã thế nên cần nghiên cứu trồng trên nhiều loại đất khác nhau, tìm ra năng suất tốt nhất để mở rộng, đáp ứng cho nhu cầu 200.000 tấn ngô sinh khối mỗi năm của đàn bò sữa Mộc Châu.

 Cây ngô ĐH17-5 cao gần chạm bóng đèn đường.
Cây ngô ĐH17-5 cao gần chạm bóng đèn đường. (Ảnh: Dương Đình Tường).

Anh Lưu Tiến Hải ở Tiểu khu 4 xã Chiềng Sơn (huyện Mộc Châu, Sơn La) là chủ nhân của vạt đồi rộng 2.300m2 trồng giống ngô sinh khối ĐH17-5 cho biết, giá ngô sinh khối năm nay thấp, chỉ 800đ/kg (so với 1.200đ/kg của mọi năm), nhưng tính ra với chi phí khoảng 25 triệu đồng/ha, thu về được 70 triệu đồng/ha thì trồng giống ngô ĐH17-5 vẫn lãi lớn.

Ông Trần Xuân Thành - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mộc Châu thông tin, huyện có 25.000ha đất nông nghiệp, trong đó 8.000ha ngô. Đất bằng trồng lúa, rau, hoa, cây ăn quả, còn đất cao, xấu trồng ngô. Sự xuất hiện của giống ngô chuyên về sinh khối đầu tiên ĐH17-5 sẽ là cơ hội để bà con nâng cao thu nhập. Trong canh tác, giống tốt là quan trọng, nhưng để có năng suất cao cần phải quan tâm chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

Bà Cầm Thị Phong - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sơn La phấn khởi trước kết quả ấn tượng của mô hình trình diễn giống ngô sinh khối ĐH17-5. Theo bà, trồng ngô sinh khối có nhiều lợi thế so với trồng ngô lấy hạt bởi rút ngắn thời gian được 1 tháng, lại tiết kiệm được công thu hoạch, tẽ, phơi. Vì là ngô sinh khối nên khi sản xuất nông dân phải lưu ý về thời gian cách ly thuốc BVTV.

Tiến sĩ Đặng Ngọc Hạ đã cùng các đồng nghiệp ở Viện Nghiên cứu Ngô đưa ra sản xuất trên 20 giống ngô các loại. Ai trồng ngô cũng hầu như biết đến LVN10 - giống ngô lai đã đưa cây ngô lên tầm cao của một "cây vàng". Giờ, để phát triển chăn nuôi, ngoài nhu cầu về ngô hạt còn cần đến ngô sinh khối. Hiện nhu cầu về ngô sinh khối của Việt Nam vào khoảng 140.000 - 150.000ha.
Cập nhật: 21/09/2023 NNVN
  • 626