Hòn đảo chìm ngoài khơi Brazil chứa đầy đất hiếm

  •  
  • 309

Một hòn đảo cổ đại khổng lồ hiện nay nằm dưới đáy Đại Tây Dương có thể chứa nguồn dự trữ khổng lồ các nguyên tố đất hiếm và nhiều khoáng chất giá trị khác.

Mang tên Rio Grande Rise (RGR), cao nguyên lục địa chìm dưới nước hình thành dưới dạng một sống núi lửa cách đây khoảng 40 triệu năm và từng là vùng đất nhiệt đới rộng lớn phủ đầy thực vật. Nhóm nghiên cứu quốc tế đứng đầu là Priyeshu Srivastava ở Đại học Sao Paulo công bố phát hiện trên tạp chí Nature, IFL Science hôm 17/3 đưa tin.

Đảo Rio Grande Rise nằm ở độ sâu khoảng 2.000m bên dưới mặt nước.
Đảo Rio Grande Rise nằm ở độ sâu khoảng 2.000m bên dưới mặt nước. (Ảnh: IO-USP).

Nằm cách vùng ven biển Brazil 1.20km, RGR bao phủ khoảng 150.000km2 đáy biển ở độ sâu từ 700 đến 2.000m. Giả thuyết sống núi lửa có thể từng là một hòn đảo xuất hiện lần đầu tiên năm 2018 và hiện nay được xác nhận nhờ phân tích mẫu đất nạo vét từ phía tây RGR.

Đánh giá đặc điểm khoáng chất, địa hóa học và từ trường của trầm tích, nhóm tác giả nghiên cứu phát hiện mẫu vật chủ yếu cấu tạo từ đất sét đỏ phù hợp với loại "đất đỏ" (terra roxa) đặc trưng tìm thấy ở nhiều nơi tại bang Sao Paulo. Trong đất, các nhà nghiên cứu xác định nhiều khoáng chất thường thấy ở các biến thể đá núi lửa, bao gồm magnetite oxy hóa, hematite, goethite, và kaolinite.

Những phát hiện trên hé lộ đất sét hình thành như một kết quả của quá trình phong hóa đá núi lửa trong thời tiết ấm và ẩm ướt. Dựa trên phân tích, nhóm nghiên cứu kết luận RGR tích tụ nguyên tố đất hiếm trong suốt thế Thủy Tân kéo dài cho tới khoảng 35 triệu năm trước với đặc trưng là điều kiện nhiệt đới.

Nghiên cứu trước đây cũng hé lộ hòn đảo chìm dưới nước rất giàu khoáng chất giá trị như cobalt, lithium, và nickel, cùng với nguyên tố đất hiếm quý giá như tellurium. Do những vật liệu này là thành phần chính trong hàng loạt công nghệ mới giúp ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên ở RGR thu hút nhiều sự quan tâm.

Nằm ở vùng biển quốc tế, RGR hiện nay do Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế quản lý, dù chính phủ Brazil đã nộp đơn xin mở rộng thềm lục địa tới hòn đảo. Trên thực tế, việc nộp đơn ít có khả năng được thông qua bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) quy định một quốc gia không thể sở hữu nhiều hơn 370,4km bên ngoài đường bờ biển.

Cập nhật: 23/03/2024 VnExpress
  • 309