Chất tạo ngọt HFCS trở nên nguy hiểm ở nhiệt độ cao

  •  
  • 3.712

Các nhà nghiên cứu đã xác định những điều kiện thúc đẩy sự hình thành mức độc tố nguy hại trong xi-rô đường bắp có lượng fructoza cao (HFCS - high-fructose corn syrup), một chất tạo ngọt cũng được dùng làm thức ăn cho ong ở Mỹ. Kết quả nghiên cứu công bố trên tờ Journal of Agricultural and Food Chemistry cũng có ý nghĩa đối với đồ uống có ga và nhiều loại đồ ăn khác chứa HFCS. Độc tố nói trên, HMF (hydroxymethylfurfural), được sinh ra chủ yếu khi đun nóng fructoza.

Trong nghiên cứu này, Blaise LeBlanc và Gillian Eggleston cùng các đồng nghiệp lưu ý tới việc dùng phổ biến HFCS như một chất tạo ngọt trong đồ uống và thực phẩm đóng gói. Một số người nuôi ong vì mục đích kinh tế cũng sử dụng chất này làm thức ăn cho ong để tăng năng suất và lượng mật thu được. Khi phơi nhiễm trước nhiệt độ ấm, HFCS có thể tạo thành HMF và giết chết ong. Một số nhà nghiên cứu tin rằng HMF là một nhân tố góp phần vào Rối loạn Sụp đổ Bầy đàn (CCD), hiện tượng bí hiểm đã giết chết ít nhất 1/3 số ong ở Mỹ.

Nghiên cứu mới cho thấy nhiệt sẽ sinh ra một chất độc từ HFCS có thể giết chết ong. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Nhóm khoa học đã đo lượng HMF trong sản phẩm có chứa HFCS của các nhà sản xuất khác nhau liên tục trong vòng 35 ngày ở những nhiệt độ khác nhau. Khi nhiệt độ tăng, lượng HMF cũng tăng đều đặn. Đặc biệt, lượng HMF tăng đột biến khi nhiệt độ đạt tới 1200F (tức xấp xỉ 500C).

“Số liệu này rất quan trọng đối với những người nuôi ong, nhà sản xuất HFCS cũng như đối với việc cất trữ thức ăn tại các gia đình và nhà hàng. Do HFCS được sử dụng làm chất tạo ngọt trong rất nhiều loại thực phẩm đóng gói, kết quả này nhìn chung rất có ý nghĩa đối với sức khỏe con người.” Nghiên cứu cũng đưa ra mối liên hệ giữa HMF với sự phá hủy DNA trong cơ thể người. Ngoài ra, HMF cũng có thể phân hủy, tạo thành những chất mới nguy hại hơn bản thân nó.

Journal reference:
LeBlanc et al. Formation of Hydroxymethylfurfural in Domestic High-Fructose Corn Syrup and Its Toxicity to the Honey Bee (Apis mellifera). Journal of Agricultural and Food Chemistry, 2009; 57 (16): 7369 DOI: 10.1021/jf9014526

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 3.712